Ngày trước, hồi mới chơi cá, mình hay lần mò lên các diễn đàn của bọn tây lông và luôn thắc mắc không hiểu bọn lông vàng nó thả cả đống lá vào bể làm gì. Thế xong cũng đem thắc mắc hỏi bọn nó thì mới vỡ ra bao nhiêu thứ, hoá ra là mình dốt chứ đếch phải lông vàng nghịch bẩn! Phong trào chơi biotope hiện giờ đang lên cao, thời điểm này lại được thời tiết ủng hộ nên lượn quanh các group, thỉnh thoảng lại thấy vài lời khuyên chung chung kiểu thả lá bàng cho khoẻ cá v.v… thế có đúng không? Cụ thể nó tác động như nào? Em mời các cụ cùng tìm hiểu và tham gia thảo luận nhé.
Về cơ bản, lá bàng KHÔ và rất nhiều các loại lá KHÔ, cành cây KHÔ, quả gỗ KHÔ khác khi thả vào bể để có phong cách Biotope đều có một loạt công dụng giống nhau, chỉ khác ở chỗ có loại cho kết quả nhanh hơn, tác dụng mạnh hơn và ngược lại. Những lợi ích này cụ thể là
1. Giảm chỉ số pH:
Đúng và chỉ đúng khi chỉ số kH trong bể các cụ rất thấp hoặc bằng 0. Nói qua một chút ko cái này dễ gây lú lắm. kH được định nghĩa là độ cứng tạm thời của nước, nhưng cá nhân em thích hiểu nó là bộ đệm giúp TRUNG HOÀ ACID của nước, bộ đệm này đóng vai trò ổn định pH và nó có giới hạn. Nếu chỉ số này trong bể các cụ cao, thả cả đống lá bàng nó cũng đếch giảm pH đáng kể đc vì acid humic nhả ra trong quá trình phân huỷ chậm lắm, ra bao nhiêu thằng kH nó xử bấy nhiêu, chỉ tổ tăng tds. Thế nên cụ nào mà vẫn hay thắc mắc là thả lá thấy mỗi vàng nước thì giờ hiểu rồi nhé. Để giảm pH, buộc phải giảm kH trước.
Cái này cá nhân em số nhọ, đo kH nước máy lúc nào cũng cao chót vót lại chưa có RO nên toàn chơi hoá chất chứ ko đủ kiên nhẫn đợi nước “cũ”. (Nước cũ sẽ tự giảm kH bởi quá trình vi sinh phân huỷ tạp chất hữu cơ trong bể cũng nhả acid humic).
Cụ nào có cách gì hay cho em xin luôn nhé.
2. Tạo môi trường gần gũi với tự nhiên:
Ngoài công dụng trang trí thì lá rữa sinh ra “Mùn” – sản phẩm cuối cùng của quá trình lọc sinh học diễn ra trong môi trường nước. Nó là hỗn hợp chứa tảo, màng vi sinh và các mảnh vụn hữu cơ. Các cụ có thể thấy nó xuất hiện khắp nơi trong các hệ sinh thái nước, chẳng hạn như sông suối, rừng ngập nước hay ao hồ, bể non bộ ngoài trời v.v… Đây là nguồn thức ăn chính của hầu hết các loài cá ăn thực vật và ăn tạp, đặc biệt là cá con trong tự nhiên. Em đang có đàn curviceps, đẻ đúng hôm đầu làm bể đến giờ là 13-14 ngày và em chưa hề cho chúng nó ăn bất cứ thứ gì nhưng vẫn khoẻ re. Nhiều cụ có chỉ số nước rất đẹp, rất sạch nhưng mãi cá không đẻ phần lớn là vì cái này, bể các cụ không đủ “bẩn”! Ngoài ra thì chính lớp lá mùn cũng nhả acid humic có công dụng kháng nấm, kháng khuẩn, giảm nồng độ can xi và magie khiến tỉ lệ trứng nở cao hơn do trứng ít bị vôi hoá, nấm mốc, vi khuẩn tấn công…
Bể càng “bẩn”, cá càng thích nhưng vợ các cụ càng ngứa mắt. Thế nên các cụ cứ cân nhắc cho cẩn thận!
3. Cách sử dụng lá khô:
Chẳng biết các cụ thế nào nhưng em thì chơi tuốt, lá gì cũng chơi miễn là KHÔ và phù hợp với ý tưởng. Em cũng không luộc, chỉ rửa sạch với nước muối loãng là ném vào bể thôi. Một số loại “nguyên liệu” khó chìm như xơ dừa hay quả thông khô thì có thể luộc cho nhanh chìm hơn. Trước em từng test thử xơ dừa khô mất đến hơn 2 tuần mới chìm… Thế liều lượng thì sao? Chẳng có liều lượng nào cả, chỉ có quy tắc chung cho việc sử dụng là ko thả quá nhiều cùng một lúc để tránh shock môi trường cho cá tép.
Xem thêm: Hướng dẫn setup bể thủy sinh đơn giản theo phong cách Iwagumi